Với cái nắng cháy da, cháy thịt của tiết trời mùa hè, cùng với những oi bức, ngột ngạt và tấp nập của cuộc sống chốn phồn hoa, nếu được đi nghỉ mát vài ngày cùng người tềnh thì không còn gì tuyệt vời hơn nữa. Đây cũng là cơ hội để các bạn nữ khoe những đường cong gợi cảm, những vòng eo “CON KIẾN” dưới biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Và cũng là cơ hội để các bạn nam khoe những làn da dám nắng, sần sùi, những cơ bụng “Không múi”.
Nếu như may mắn, bạn được làm việc trong một công ty rãnh mũi má mà luôn có đầy đủ chế độ cho người lao động, thì chắn chắn là hàng năm bạn sẽ được công ty đài thọ 100% chi phí đi nghỉ mát. Nhưng, có thể bạn sẽ quan tâm:
– Chi phí nghỉ mát, công ty có được tính vào chi phí được trừ ?
– Thuế GTGT đầu vào có được khấu trừ ?
– Bộ chứng từ về chi phí nghỉ mát gồm những gì ?
Trong bài viết này, ĐAM MÊ KẾ TOÁN sẽ làm rõ cho bạn những vấn đề đó, để bạn yên tâm đi nghỉ mát, có một kỳ nghỉ mát thật vui vẻ, có những tấm ảnh thật đẹp, để có thể tung lên phây búc câu like, câu trai, câu….cái gì thì câu.
- Thứ nhất: Chi phí nghỉ mát có được tính vào chi phí được trừ ?
Điểm 2.30 khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định:
“Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
==> Theo đó: Chi phí nghỉ mát được tính vào chi phí được trừ, nhưng bị khống chế không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm.
- Thứ hai: Thuế GTGT đầu vào có được khấu trừ ?
Về vấn đề này, có rất nhiều quan điểm trái chiều, có những quan điểm cho rằng, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, vì đây là một khoản có tính chất phúc lợi, nó không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên không được khấu trừ. Và thậm chí có cả công văn hướng dẫn của các cục thuế, có cục thuế cho khấu trừ, có cục thuế không cho khấu trừ. Nếu như nói đây là một khoản chi không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chưa hoàn toàn là đúng, bởi lẽ doanh nghiệp có các chế độ cho người lao động, thì người lao động mới mong muốn gắn bó với doanh nghiệp, cống hiến hết mình cho doanh nghiệp, tạo ra những giá trị kinh tế trong tương lai ==> Vậy nó có phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không ? Các bạn có thể tự đưa ra được câu trả lời cho riêng mình.
Và vấn đề này của chúng ta đến thời điểm này đã không còn phải tranh luận nữa, khi đã có công văn hướng dẫn chi tiết của Tổng cục thuế
Theo công văn số 4005/TCT-CS ngày 29 tháng 09 năm 2015 của Tổng cục thuế hướng dẫn chi tiết như sau:
“Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì:
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất…”.
Căn cứ các hướng dẫn trên, trường hợp doanh nghiệp có khoản chi phúc lợi mà người lao động được thụ hưởng trực tiếp thì khoản chi đó được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ và tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế theo quy định, đồng thời doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đối với những khoản chi phúc lợi tương ứng với khoản tiền được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nêu trên nếu đáp ứng được các điều kiện về khấu trừ theo quy định.”
==> Theo đó: Doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đối với những khoản chi phúc lợi tương ứng với khoản tiền được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng được các điều kiện về khấu trừ theo quy định.
- Thứ ba: Bộ chứng từ về chi phí nghỉ mát:
Để có một bộ chứng từ chặt chẽ về chi phí nghỉ mát, các bạn cần có những hồ sơ sau:
+ Quy định rõ công ty tổ chức nghỉ mát cho CBCNV tại một trong các hồ sơ: Quy chế tài chính, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động,…..
+ Quyết định nghỉ mát của Giám đốc công ty (Có danh sách kèm theo)
+ Hợp đồng tour du lịch (Nếu doanh nghiệp thuê công ty du lịch tổ chức tour)
+ Hóa đơn tour du lịch (Nếu doanh nghiệp thuê công ty du lịch tổ chức tour)
+ Hóa đơn, chứng từ phát sinh tại tour du lịch (Nếu doanh nghiệp tự tổ chức tour)
+ Chứng từ thanh toán (Nếu tổng giá trị trên hóa đơn từ 20.000.000 trở lên phải thanh toán qua ngân hàng)
+ Ngoài ra, bạn có thể có thêm một vài chứng từ khác như: Tờ trình tổ chức nghỉ mát, bảng dự trù kinh phí đi nghỉ mát,….