HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG THANG, BẢNG LƯƠNG 2018

Công ty các bạn đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chắc chắn hàng tháng sẽ có trả lương cho người lao động, nhưng….công ty các bạn đã xây dựng THANG BẢNG LƯƠNG, và đã nộp cho phòng lao động chưa? Chưa nộp có bị phạt không?

Theo quy định Khoản 10 điều 1 nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động hoặc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định pháp luật;

b) Sử dụng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện;

c) Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng;

d) Không thông báo cho người lao động biết trước về hình thức trả lương ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện.

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

4. Phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.”

==> Theo đó:

+ Nếu các bạn có xây dựng thang, bảng lương, nhưng không nộp chỉ bị phạt 500.000 đến 1.000.000 (chẳng đáng là bao so với lương của kế toán vốn dĩ đã cao ngất ngưởng :v)

+ Nếu không xây dựng thang, bảng lương bị phạt từ 2.000.000 đến 5.000.000 (một mức phạt vừa vừa so với thu nhập của kế toán, lời khuyên cho các bạn là cứ xây dựng, và nếu có không nộp thì cũng chỉ bị phạt 500k đến 1 cành)

+ Nếu công ty bạn trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, có thể bị phạt đến 75.000.000 (các bạn hoàn toàn yên tâm, cực kỳ là yên tâm nhé, lương các bạn sẽ cao hơn mức lương tối thiểu vùng)

ĐAM MÊ KẾ TOÁN tin chắc rằng, có nhiều bạn không biết là chúng ta bị xử phạt trong trường hợp này, cũng có nhiều bạn biết, nhưng không biết phải xây dựng hệ thống thang, bảng lương như thế nào?

Trong bài viết này, ĐAM MÊ KẾ TOÁN sẽ HƯỚNG DẪN các bạn xây dựng hệ thống thang, bảng lương để các bạn có thể tự xây dựng và đăng ký với Phòng lao động thương binh và Xã Hội.

Và DN xây dựng thang, bảng lương, luôn mong muốn để mức lương cơ bản bằng với mức lương tối thiểu vùng, nhưng……lương tối thiểu vùng luôn thay đổi hàng năm. Như vậy, thang bảng lương sẽ không còn phù hợp, và luôn phải làm lại hàng năm. Sếp bạn muốn bạn xây dựng thang, bảng lương mà có thể áp dụng được cho các năm, nhưng mức lương bản vẫn phải bằng với mức lương tối thiểu vùng. Bạn sẽ xử lý như thế nào với trường hợp này ? ĐAM MÊ KẾ TOÁN sẽ hướng dẫn các bạn nhé.

IMG_4870

Văn bản các bạn tham khảo để xây dựng hệ thống thang bảng lương bao gồm các văn bản sau:

1. Bộ luật lao động 10/2012/QH13 ban hành ngày 18 tháng 06 năm 2012, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 05 năm 2013.

2. Nghị định 49/2013/NĐ-CP ban hành ngày 14 tháng 05 năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2013 hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về tiền lương.

3. Nghị định hướng dẫn về mức lương tối thiểu vùng của từng năm. Nếu là năm 2018, các bạn tham khảo nghị định 141/2017/NĐ-CP hướng dẫn mức lương tối thiểu vùng năm 2018

HỒ SƠ XÂY DỰNG THANG BẢNG LƯƠNG: 

  1. Công văn gửi Phòng lao động thương binh và xã hội
  2. Quyết định ban hành hệ thống thang, bảng lương
  3. Biên bản thông qua hệ thống thang bảng lương
  4. Bảng hệ thống thang, bảng lương
  5. Bảng quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng
  6. Quy chế lương, bảng phụ cấp (có Phòng lao động yêu cầu, có phòng lao động không yêu cầu)

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT:

1. Công văn gửi phòng lao động thương binh và xã hội: Lập theo mẫu. Mức lương tối thiểu vùng xin áp dụng không được thấp hơn quy định

2. Quyết định ban hành hệ thống THANG, BẢNG LƯƠNG: Lập theo mẫu

3. Biên bản thông qua hệ thống thang bảng lương: Lập theo mẫu, nhưng phải có đầy đủ chữ ký của Giám đốc, thư ký và một vài CNCNV đại diện (Nếu công ty có tổ chức công đoàn thì có xác nhận của Chủ tịch công đoàn)

4. Xây dựng hệ thống THANG, BẢNG LƯƠNG: Lập theo mẫu, và chú ý các chỉ tiêu:

  • Chỉ tiêu 1: Bậc lương:

– Theo quy định của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể xây dựng bao nhiêu bậc cũng được, thường thì các doanh nghiệp hay xây dựng 10 bậc. Người lao động khi mới vào làm việc, sẽ bậc 1, và theo quy chế tăng lương của doanh nghiệp, mỗi lần tăng lương sẽ lên một bậc, các trường hợp đặc biệt có thể được nâng vượt bậc.

– Chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề phải đảm bảo khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệp, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%. Các bậc sau các bạn xây dựng tương tự. Và các nhóm vị trí công việc sau cũng xây dựng tương tự, lấy bậc 1 làm gốc, các bậc tiếp theo trong cùng một nhóm vị trí công việc cao hơn ít nhất bằng 5% của bậc trước liền kề. (Theo hướng dẫn tại khoản 2 điều 7 nghị định 49/2013/NĐ-CP).

  • Chỉ tiêu 2: Nhóm chức danh, vị trí công việc:

– Căn cứ vào chức danh, vị trí công việc thực tế tại doanh nghiệp các bạn, với những nhóm cùng chung một mức lương, các bạn có thể gộp chung vào một nhóm, như trong bảng của tôi, tôi gộp Kinh doanh, nhân sự, kế toán, quản lý sản xuất vào chung một nhóm, và hưởng mức lương như nhau.

  • Chỉ tiêu 3: Hệ số:

+ Hệ số cần thỏa mãn, hệ số thấp nhất là 1, ứng với vị trí công việc chưa qua đào tạo.

+ Với các công việc đã qua đào tạo, hệ số thấp nhất là 1.07 (Cao hơn 7%)

+ Chênh lệch hệ số giữa các bậc trong cùng một nhóm chức danh, vị trí công việc thấp nhất bằng 5%

  • Chỉ tiêu 4: Mức lương:

– Mức lương của mỗi bậc ở từng vị trí công việc bằng với hệ số ở bậc đó nhân với mức lương tối thiểu vùng.

  • Chỉ tiêu 5: Mức lương tối thiểu vùng: 

– Mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật hiện hành. Hàng năm, khi mức lương tối thiểu vùng thay đổi, mức lương của mỗi bậc ở từng vị trí công việc sẽ thay đổi theo, và phù hợp với từng năm. DN không cần phải xây dựng lại thang, bảng lương.

5. Xây dựng bảng quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng: Lập theo mẫu và lưu ý thêm như sau: Tại hệ thống thang, bảng lương, các bạn có bao nhiêu vị trí công việc thì phải quy định riêng từng vị trí công việc đó tại bảng quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng. Trong bảng của tôi, tại hệ thống thang, bảng lương, có các vị trí công việc sau: Giám đốc, phó giám đốc, Trưởng phó các phòng ban, Giảng viên, nhân viên kinh doanh, nhân viên nhân sự, nhân viên kế toán, nhân viên phục vụ (tạp vụ). Và các bạn sẽ thấy, các vị trí công việc này được quy định cụ thể tại bảng quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng.

IN HỒ SƠ: In hồ sơ làm 2 bộ, đóng quyển hồ sơ tất cả các tài liệu theo hướng dẫn và thứ tự như trên (không đóng công văn vào trong quyển hồ sơ), và các bạn nhớ đóng dấu giáp lai giữa các trang nhé. Rồi chuẩn bị cho mình những bộ váy xinh nhất, trang điểm lung linh nhất, mùi nước hoa quyến rũ nhất, và chuẩn bị luôn tinh thần ĐI NHẸ, NÓI KHẼ, CƯỜI DUYÊN để mang hồ sơ lên nộp tại phòng lao động nhé. Và rất có thể, các bạn sẽ phải đi lại một, vài lần tại phòng lao động, không phải là do các bạn làm sai, mà chỉ vì các bạn dễ thương quá, nên là phải đi lại nhiều mà thôi, dễ thương âu nó cũng là một cái tội :v.

THAM KHẢO CHI TIẾT BẢO HIỂM – TIỀN LƯƠNG – THUẾ TNCN – GIẢI PHÁP NÀO CHO NĂM 2018 TẠI ĐÂY

THAM KHẢO HỆ THỐNG THANG, BẢNG LƯƠNG MẪU TẠI ĐÂY

hinh-anh-dia-chi-cong-ty_dam-me-ke-toan

DICH VU DAM ME KE TOAN

Bài Viết Liên Quan